Nguyễn Bá Thanh Long
Phó chủ tịch Thường trực Hội cổ vật Hải Phòng
Ông Trần Đình Thăng, chủ sở hữu nhiều di sản cổ vật có giá trị lớn về lịch sử văn hóa và kinh tế nhưng không dùng tên mình hay gia tộc như mọi người thường vẫn đặt cho sưu tập mà lấy tên An Biên, tên của vùng đất cổ (nay là thành phố Hải Phòng) do nữ tướng Lê Chân đặt. Tìm hiểu tôi mới biết ý nghĩa sâu xa, tính nhân văn của việc này.
Thăm quan trưng bày và dự tọa đàm khoa học “Sưu tập cổ vật An Biên” ngày 16/01/2021 do Hội DSVH Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao Hải Phòng tổ chức mới thấy ngoài tâm huyết với cổ vật ông Trần Đình Thăng, chủ sở hữu sưu tập còn rất nặng tình với thành phố cảng, nơi ông sinh ra, lớn lên và lập nghiệp.
Với trên 300 hiện vật trưng bày phần nào đã khái quát cho thấy Hải Phòng là thành phố có lịch sử lâu đời, giàu di sản văn hóa, có những người con ngoài mưu sinh, phấn đấu sự nghiệp còn lao tâm khổ tứ, khát vọng khôn cùng cho thú đam mê mà ngoài kiến thức văn hóa, thông hiểu lịch sử còn đòi hỏi phải dồi dào nguồn lực kinh tế. Hiện vật ông sưu tầm đa phần có nguồn gốc tại Việt Nam, được làm bằng chất liệu đồng, gốm, gỗ có bề dày thời gian trải dài suốt tiến trình lịch sử dân tộc. Loại hình đa dạng, phong phú mang đậm dấu ấn, phong cách văn hóa từng triều đại, có thể xem như thiên sử đời sống sinh hoạt văn hóa gần 2000 năm của người Việt.
Dày công sức, trí tuệ, tiền bạc để có những cổ vật giá trị làm nên bộ sưu tập lớn nhưng lại dùng danh xưng khởi nguyên của thành phố Cảng để đặt tên cho sưu tập, hẳn ông đã minh triết một lối cách định hướng cho đam mê. An Biên – Trang An Biên, tên gọi đầu tiên của vùng đất này do nữ tướng Lê Chân đặt khi Bà từ làng Vẻn (Đông Triều Quảng Ninh) xuôi thuyền biển tiến lập lên cương vực Hải tần phòng thủ thời kỳ Hai Bà Trưng năm 40-43 (đầu công nguyên). Những hiện vật của sưu tập có tuổi niên đại từ mốc lịch sử này. Ông không sưu tầm dòng đồ thuộc các giai đoạn sớm hơn trước đó.
Xem trọng tín ngưỡng Vạn vật hữu linh, đất nước có vận mệnh, con người có số phận và ông vẹn tin, sùng kính nữ tướng Lê Chân, Nhân thần chủ – Đấng quyền năng vùng đất này luôn phù hộ độ trì cho ai cần mẫn, sáng tạo biết khai mở lĩnh vực, ngành nghề làm ra của cải vật chất nuôi sống gia đình, đóng góp cho xã hội và ông được Bà cho lộc làm ăn, cho duyên với cổ vật nên lấy tên khai sinh vùng đất này làm khai sinh niên đại cổ vật sưu tập của mình và tâm niệm báu vật tầm quý nhân, đồ với ông cộng cảm được Thánh mẫu phù hộ giữ vẹn nguyên không hư hoại.
Quen biết đã nhiều năm tôi thấy từ việc làm, lối sống ông là người khiêm nhường, tinh tế nếp đối người tiếp vật và luôn đau đáu nỗi tri ân nguồn cội. Năm 2010, một trong các chương trình hoạt động chào mừng 55 năm giải phóng Hải Phòng và cùng cả nước kỷ niệm Đại lễ nghìn năm Thăng Long – Hà Nội, Hội Cổ vật Hải Phòng đúc trống và đôi tượng hạc đồng cung tiến vào Đền Nghè, quận Lê Chân (Di tích lịch sử cấp quốc gia). Thực hiện nghi thức tâm linh, Hội Cổ vật Hải Phòng ngoài hành lễ kính cáo Bà tại Đền Nghè còn về nơi sinh nữ tướng ở xã Thủy An huyện Đông Triều, Quảng Ninh vào Đền An Biên trình tấu kính xin bà hiển linh độ chứng lớp cháu con nay tri ân, đúc trống đồng dâng đặt tại Đền Nghè. Mọi người ai cũng muốn đóng góp cái tâm, cái ước nguyện của mình vào phần công đức, ông Thăng khi đó còn trồng thêm hàng cau 9 cây trong khuôn viên đền. Năm 2019 gia đình ông công đức chiếc lư hương đồng cổ được làm ở thế kỷ 18 vào Đình An Biên quận Lê Chân, hơn nữa còn đóng góp kinh phí tu sửa nhà khách nơi đây. Học theo lối xưa, việc cũ của tiền nhân để ứng xử thực tại, khi biết trong các bảo khí của An Biên cổ tự (Đền Nghè) có là trầu quả cau được làm bằng vàng ròng, mấy chục năm trước đất nước còn chưa thống nhất, dân tộc ở thời kỳ những bộn bề lo toan củng cố xây dựng, phát triển kinh tế xã hội ở miền Bắc, chi viện cho miền Nam và để bảo vệ tốt lá trầu quả cau vàng này được chuyển đến nơi khác cất giữ. Gần đây ông đã thuê nghệ nhân chế tác lại tế khí này dâng vào Đình và ước vọng ngày nào đó bảo khí xưa lại hồi hướng, hiện hữu nguyên vị cho chúng ta ngày nay, lớp cháu con mai sau chiêm bái.
Hiện vật sưu tập có niên đại đầu công nguyên (thế kỷ 1-3) được ông kiếm tìm sưu tầm tại vùng đất nơi sinh, nơi mở cõi của Bà. Đồ gốm men trắng ngà, vàng xám với loại hình chum, bình con tiện, ang, hũ, tước, ấm… Và rất độc đáo với mô hình giếng nước, nhà 3 tầng có cổng, tường bao, ngói lợp, lối kiến trúc nhà thủ lĩnh, quý tộc. Nhiều đồ đồng như lọ dáng nậm, liễn có nắp, ang hình cầu, bình có quai xách nắp được giữ bằng 2 dây xích gắn trên thân. Ấm đầu gà, nồi chân cao có chiếc dáng đĩa bay cùng các vật dụng khác làm tôi nhớ tới câu của người bạn đam mê nghiên cứu di sản: Bóng dáng xưa lắng trong hồn cổ vật và suy ngẫm, liên tưởng liệu những ang, bình cổ này chiếc nào đã dùng trong tiệc khao quân thắng trận của nữ tướng? 2 chiếc gương đồng tại đây có phải của Thánh Chân công chúa hằng soi mỗi sớm?
Gắn tư duy thế sự cho sưu tập di sản của tiền nhân, gắn cái lãng mạn văn hóa dân gian vào mạch nguồn lịch sử. Chủ nhân của sưu tập cổ vật An Biên đã làm được điều đó. Ông biết trân quý, gìn giữ di sản cổ vật, phong tục truyền thống và sức mạnh tâm linh là những giá trị căn cốt, to lớn vô hình để an định, kiến lập nội lực vững bước trên đường đời đem lại hạnh phúc, thành công cho cuộc sống. Và Sưu tập cổ vật An Biên là minh chứng.