BẢO QUẢN HIỆN VẬT
THS. Phạn Thúy Hợp
Nguyên Phó Trưởng Phòng Quản lý Bảo tàng
Cục Di sản văn hoá, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch
Bảo quản hiện vật là một ngành của khoa học tự nhiên, nghiên cứu nhằm chống lại sự phá hoại của tự nhiên đối với hiện vật. Ứng dụng các phương pháp khoa học kỹ thuật để duy trì tính nguyên gốc của hiện vật. Thực chất của việc bảo quản là gìn giữ giá trị lịch sử, giá trị nghệ thuật và giá trị khoa học của hiện vật. Vì thế công tác bảo quản là một trong những khâu công tác quan trọng của bảo tàng.
Muốn bảo quản tốt cần phân tích thành phần kết cấu của hiệt vật; tìm ra quy luật biến đổi chất của hiện vật; nghiên cứu kỹ điều kiện bảo quản trước khi sưu tầm và môi trường bảo quản phòng ngừa của bảo tàng. Trong công tác bảo quản, thì phòng ngừa là hình thức bảo quản chủ yếu, duy trì môi trường tương đối ổn định, thích hợp, để ngăn chặn và làm chậm lại quá trình hư hại tự nhiên của hiện vật.
- Bảo quản hiện vật đồng:
Hiện vật khảo cổ chất liệu đồng đã tồn tại qua hàng ngàn năm dưới lòng đất cộng với môi trường lưu giữ, trưng bày cũng như tác động của con người sau khi khai quật nên nhiều hiện vật bị ảnh hưởng không nhỏ như gỉ, ăn mòn, oxy hóa…
Đồng thau là hợp kim của đồng và kẽm (đồng từ 60-90%, kẽm từ 10-40%). Đồng thau là sản phẩm đồng hành trong quặng calamin, là một khoáng vật chứa kẽm và đồng. Đồng thanh là hợp kim đồng – thiếc (đồng từ 80-90%, thiếc từ 6-20%). Đối với các loại đồ đồng thanh cổ, người ta cho thêm chì vào hợp kim đồng để làm giảm độ nhớt của hỗn hợp nóng chảy, tăng hiệu quả và độ tinh xảo của các sản phẩm đúc.
Qui trình bảo quản hiện vật khảo cổ chất liệu đồng:
– Chụp ảnh, đánh giá tình trạng hiện vật trước khi bảo quản.
– Xác định nguyên nhân gây hư hại (do bản chất của hiện vật, do các yếu tố từ môi trường tự nhiên, do con người).
– Làm sạch hiện vật, loại bỏ các tác nhân gây hại.
– Ức chế ăn mòn.
– Gia cố và tạo lớp màng bảo vệ hiện vật.
– Điều kiện về môi trường lưu giữ, trưng bày sau khi bảo quản.
- Bảo quản hiện vật đồ gốm
Khái niệm gốm bao gồm các vật được làm từ đất sét trộn với nước và chịu sự tác động của lửa. Các hiện vật gốm rất đa dạng tùy thuộc vào nguồn gốc văn hóa, vào phương pháp chế tác, thành phần, vào loại hình và công năng sử dụng của chúng. Gốm có 3 loại cơ bản: Đất nung, sành (sành nâu, sành xốp, sành trắng), sứ.
Đồ gốm đất nung là loại gốm ra đời đầu tiên trong họ hàng nhà gốm, nó có tuổi đời cao nhất và là cơ sở của các loại gốm khác phát triển. Nguyên liệu chính sản xuất gốm đất nung là đất sét, nhiệt độ nung thấp (khoảng từ 6000C – 9000C).
Gốm sành xốp được làm từ đất sét chứa một phần lớn silic (thường đã có sẵn trong đất sét hoặc được bổ sung thêm). Đất sét này được nung ở nhiệt độ cao để silic được thủy tinh hóa cao nhất và cũng tạo độ khép kín và không thấm nước của phần thân của sành xốp. Nhiệt độ nung khoảng từ 12000C – 12500C.
Gốm sứ là loại đồ gốm làm từ cao lanh nung ở nhiệt độ giữa 12500C – 14600C. xương gốm màu trắng, mịn, thủy tinh hóa hoàn toàn, trong mờ và đồng nhất.
Qui trình bảo quản đồ gốm:
Dùng nước cất để rửa làm sạch bề mặt, bàn chải, dùng vải cotton không có bông, hay chổi lông. (làm vệ sinh hiện vật phải theo sự chỉ dẫn của các chuyên gia bảo quản).
Sự hư hại của gốm phần lớn do tác động cơ học, việc bảo quản chủ yếu là chống chấn động, chống chèn ép, chống va đập, đổ vỡ. Vì vậy khi cầm đồ gốm không được cầm ngang, phải dùng 2 tay để nâng hiện vật, đeo găng tay cotton không có bông để cầm nắm hiện vật, tránh để lại bụi bẩn hoặc mồ hôi chỗ tay cầm làm bẩn hiện vật, không được làm ảnh hưởng đến hiện trạng của hiện vật.
Khi tiếp xúc với hiện vật phải quan sát cẩn thận tình trạng hiện vật.
Đối với những hiện vật gốm sứ vớt dưới biển, thì phải làm sạch muối và những trầm tích khác của biển bằng phương pháp ngâm hiện vật vào nước ngọt và muối pha loãng, sau đó dùng nước cất để loại trừ muối, thay nước nhiều lần.
- Bảo quản hiện vật đồ gỗ
Hiện vật gỗ thuộc chất liệu hữu cơ, thành phần hóa học là tế bào được cấu tạo từ xenlulô. (Tỷ lệ bình quân trong gỗ bao gồm cacbon 50%, hidro 6,4%, nito 0,1-2%). Trên các hiện vật gỗ thường lưu lại rất nhiều bào tử nấm và khi điều kiện nhiệt độ, độ ẩm thích hợp thì các bào tử nấm này sẽ phát triển gây lên sự hủy hoại cho hiện vật như mục nát, nấm mốc, mối mọt, khô nứt cong vênh, ngấm nước…
Quy trình bảo quản hiện vật đồ gỗ:
-Hiện vật gỗ khảo cổ thường lẫn trong các ngôi mộ táng lớp đất nước, vì thế cần thực hiện tốt công tác bảo quản phòng ngừa. Khi lấy ra khỏi môi trường đất ẩm phải bọc lại ngay bằng giấy phi axit rồi chuyển về kho bảo quản.
-Rửa sạch hiện vật sau đó sử dụng các hóa chất để bảo quản lâu dài.
-Thường xuyên duy trì ở nơi có môi trường thích hợp tránh bụi ô nhiễm, độ ẩm tương đối khoảng 45-55%, ánh sáng hạn chế <50 lux và nhiệt độ khoảng từ 160C – 220C nhằm giữ cho nấm mốc không phát triển được.
Lưu ý: Việc bảo quản hiện vật bằng gỗ làm thủ công là lau chùi sạch sẽ có hiệu quả cao nhất. Khi các hiện vật đã bị nhiễm các loại nấm mốc hoặc các lại côn trùng mối, mọt… cần sử dụng hóa chất để bảo quản.
Công tác bảo quản giữ vị trí vô cùng quan trọng trong việc giữ gìn, bảo quản lâu dài các hiện vật, sưu tập hiện vật quý được tạo tác từ các chất liệu như đồng, gốm, gỗ…phục vụ cho nghiên cứu, trưng bày phát huy giá trị phục vụ nhu cầu tham quan, học tập của công chúng trong và ngoài nước.