HOÀNG VÂN

Tạp chí thế giới di sản

     80 hiện vật gốm men đặc sắc, được tuyển chọn từ Bộ Sưu tập cổ vật An Biên của nhà sưu tập Trần Đình Thăng (Hải Phòng) và một số hiện vật của Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã được giới thiệu đến công chúng nhằm tôn vinh gốm sứ nước nhà nhân kỷ niệm ngày Di sản Văn hoá Việt Nam. Các chuyên gia đánh giá Trưng bày “Gốm Việt Nam: một truyền thống riêng biệt – nhìn từ Sưu tập An Biên” có nhiều hiện vật gốm tiêu biểu, xuất sắc, đại diện cho các thời kỳ.

     Giữ bản sắc thông qua giới thiệu hiện vật gốm

Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã từng tổ chức nhiều trưng bày về cổ vật Việt Nam, nhưng đây là lần đầu tiên phối hợp với một sưu tập tư nhân, đã thu hút sự quan tâm của công chúng. Người xem thật sự mãn nhãn khi chiêm ngưỡng những kiệt tác ấm, thạp, chân đèn, lư hương… bằng nhiều chất liệu gốm.

Là chủ Bộ Sưu tập An Biên, nhà sưu tập Trần Đình Thăng chia sẻ, việc sưu tập cổ vật đến với ông rất tình cờ. Trước đây, ông làm công việc liên quan đến các cơ quan có yếu tố nước ngoài, thấy họ rất yêu mến di sản văn hoá Việt Nam. Môi trường đó làm ông nhận thức rõ hơn về di sản văn hoá. Ông vẫn nhớ thời điểm mua đôi liễn gốm men trắng thời Lý, vào năm 1986 ở Hà Nội. Đó cũng là hiện vật đầu tiên trong nhóm hiện vật gồm men trắng thời Lý 9 món mà ông rất tự hào. Sau đó, ông còn mua thêm mấy đợt gốm men trắng thời Lý nữa và gom lại thành nhóm hiện vật.

Cũng theo ông Thăng, sở dĩ bộ sưu tập của ông mang tên An Biên vì đây là tên của một địa danh cổ ở vùng đất Hải Phòng. Đó là trang An Biên do nữ tướng Lê Chân thời Hai Bà Trưng lập ra. Hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, nữ tướng Lê Chân đã cho lập phòng tuyến ngăn địch, trấn giữ vùng biển, đặt tên là “Hải tần phòng thủ” – được coi chính là tên Hải Phòng (rút gọn) ngày nay…

Chia sẻ vì sao trong khi nhiều người chơi cổ vật ít muốn tiết lộ thông tin với công chúng, mà ông lại mang bộ sưu tập ra giới thiệu. Theo ông Trần Đình Thăng, mang cổ vật ra giới thiệu là vì sự nghiệp di sản văn hoá, với mong muốn giữ bản sắc văn hoá thông qua giới thiệu hiện vật gốm. Bên cạnh đó. Luật Di sản Văn hoá đã ra đời, các chủ sưu tập đã có quyền sở hữu, nên hoàn toàn không sợ mất mát. Thứ nữa là, sưu tập minh bạch và công khai, rõ ràng xuất xứ, thời kỳ, đã giám định, đăng ký.

     Tái hiện diện mạo gốm Việt

Trưng bày mang đến cho công chúng bức tranh toàn cảnh về gốm Việt Nam ở 4 giai đoạn: Gốm Việt Nam 10 thế kỷ đầu công nguyên ; thế kỷ 11-14; từ thế kỷ 15-17 và gốm Bát Tràng thế kỷ 18-19.

TS Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho hay, thông qua trưng bày, Bảo tàng Lịch sử quốc gia mong muốn giới thiệu với công chúng trong và ngoài nước một bộ sưu tập gốm men phong phú, có giá trị mỹ thuật cao trải dài trên 2.000 năm phát triển của đồ gốm Việt Nam, từ đó nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá, lịch sử dân tộc. Các hiện vật tại trưng bày có niên đại không dài nhưng lại rất độc đáo, hiếm có trong đó có đồ gốm Bát Tràng được đặt làm vô cùng tinh xảo, có đồ ngự dụng và đồ minh khí được tìm thấy trong các ngôi mộ gạch.

Cũng theo ông Đoàn, trưng bày không nhằm mục đích giới thiệu cổ vật đắt tiền, gây kinh ngạc mà tập trung làm sáng tỏ diện mạo gốm Việt kể từ thời kỳ đầu Công nguyên đến thế kỷ 19, để giới thiệu đến công chúng đầy đủ các dòng men cũng như kỹ thuật, công nghệ sản xuất gốm sứ Việt Nam. Cụ thể, các nhóm hiện vật được chia theo niên đại, làm nổi bật phong cách đồ gốm thời đó như cách tráng men, đổ khuôn, nung…

Theo đó, khu vực trưng bày gồm Việt Nam 10 thế kỷ đầu Công nguyên bao gồm hiện vật được chế tác trên nền tảng truyền thống gốm Đông Sơn, có tiếp thu kỹ thuật làm gốm men tiên tiến đương thời của Trung Quốc (làm khuôn, gắn chắp các thành phần sau đổ khuôn, tráng men và nung với nhiệt độ cao trong lò). Người thợ thời đó tạo ra dòng gốm mang sắc thái riêng và đưa Việt Nam trở thành một trong số ít các quốc gia trên thế giới có nghề sản xuất đồ gốm men ra đời sớm và phát triển liên tục. Đây là những cơ sở, nền tảng để hình thành nên các dòng gốm men phát triển ở các thời kỳ sau đó, đặc biệt là từ thời Lý-Trần.

Sang thế kỷ 11-14, gốm Việt phát triển độc lập, có những đề tài trang trí mang đậm tính bản địa của người Việt, tạo nên một trang những trang sử rực rỡ nhất của truyền thống sản xuất gốm sứ Việt Nam với loại hình phổ biến là liễn, ấm, đài sen, âu, bát, đĩa… được sản xuất phục vụ sinh hoạt, tiêu dùng từ cung đình đến dân gian. Đặc biệt, thời kỳ này đã hình thành và phát triển các dòng gốm men phong phú, đa dạng như gốm men trắng, gốm men ngọc, gốm men xanh lục, gốm men nâu, gốm hoa nâu và cuối thế kỷ 14 xuất hiện gốm hoa lam.

Thế kỷ 15-17 là thời kỳ phát triển mạnh mẽ mối quan hệ giao lưu thương mại giữa Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Đồ gốm trở thành mặt hàng xuất khẩu quan trọng, được sản xuất nhiều chủng loại có trình độ kỹ thuật cao với các loại hình chủ yếu là đồ dùng sinh hoạt, đồ thờ (bát, đĩa, ấm, ang, hộp lư hương, tượng nghê, chân đèn…), dòng men tiêu biểu là hoa lam, nhiều màu, lam xám, với đề tài trang trí chủ yếu là rồng, phượng, mây, nghê.. Một số trung tâm sản xuất gốm sứ nổi tiếng thời kỳ này: Thăng Long, Bát Tràng (Hà Nội), Nam Sách, Bình Giang (Hải Dương)…

Gốm Bát Tràng thế kỷ 18-19 được phác hoạ qua hiện vật đồ dùng sinh hoạt, đồ thờ, đồ trang trí mang sắc màu của men rạn, men lam…

Trong bộ sưu tập có 9 hiện vật gốm thời Lý là men trắng, kích thước không lớn, cao 24-25 cm, như ấm men trắng độc sắc khắc cánh sen có thể nói là cực kỳ đặc biệt, hiếm có. Thời Lý chuộng gốm men trắng, ưa chuộng sự giản dị, thanh cao. Đây là bộ sưu tập đặc sắc mà Hội Di sản Văn hoá Việt Nam và các chuyên gia đã giúp sưu tập, thành lập bộ hồ sơ, đề nghị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia.

TS Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Uỷ viên BCH Hội DSVH Việt Nam cho biết, mọi cổ vật đều quý giá, song nhóm hiện vật gốm men trắng thời Lý chính là sưu tập quý nhất trong Bộ sưu tập An Biên; có những nhóm hiện vật rất điển hình, chẳng hạn như bộ sưu tập đồ gốm men trắng thời Lý có hoạ tiết hoa sen đơn giản, biểu trưng cho xu hướng sùng đạo Phật trong xã hội thời đó. Bên cạnh đó, nhiều hiện vật khác trong Bộ Sưu tập An Biên cũng rất xuất sắc. Ví dụ như gốm men trắng văn in thời Lê Sơ. Đó là những đồ gốm được sản xuất ở những lò quan, sản xuất đồ dùng cho Hoàng gia ở Cung Trường Lạc tại Hoàng thành Thăng Long. Gốm lò quan bao gồm cả những đồ ngự dụng. Đẳng cấp của bộ này (An Biên) chỉ thấp hơn bộ của vua dùng thôi. Vua dùng thì thường rồng 5 móng. Bộ này lại khác, có phượng rồi cũng có những hoa văn thể hiện được làm ở lò quan.

TS Phạm Quốc Quân cho biết thêm, tại trưng bày có hiện vật cũng rất đáng kể là lư hương thời Mạc của ông Đặng Huyền Thông. Lư có quai khắc chữ chìm dưới men “Đặng Huyền Thông ở Hùng Thắng, H.Thanh Lâm tạo tác”. “Lư thể hiện trang trí rất đẹp, vẽ rồng nhưng là rồng 4 móng. Đấy là đồ dùng được cho là của Thái tử”, ông Quân chia sẻ. Ông cũng đánh giá rất cao những hiện vật gốm hoa nâu. “Đây chính là một trong những yếu tố làm nên sự khác biệt của gốm truyền thống Việt Nam”, ông Quân nói.