PGS.TS Đỗ Văn Trụ
Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam
Như một cơ duyên, trong chuyến về Hải Phòng dự Lễ khánh thành Công trình tuyến đường vào Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ ngày 13-10-2020, Đoàn Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đã tới thăm Hội Cổ vật Hải Phòng – Thành viên của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam.
Cùng tiếp và làm việc với chúng tôi hôm ấy có Doanh nhân Trần Đình Thăng, Chủ Sưu tập cổ vật An Biên đồng thời là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Cổ vật Hải Phòng. Trong câu chuyện cởi mở, thân tình không định trước ấy, sôi nổi nhất vẫn xoay quanh chủ đề về các sưu tập cổ vật tư nhân, từ việc nghiên cứu, bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị đến những khó khăn, thách thức của các chủ sở hữu sưu tập, những vấn đề về cơ chế, chính sách…
Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, với sự ra đời của Luật Di sản văn hóa; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa và nhiều văn bản khác, quan điểm đối với các sưu tâp tư nhân đã có bước chuyển biến quan trọng. Bên cạnh việc thống nhất quản lý di sản văn hóa thuộc sở hữu nhà nước, luật pháp đã công nhận và bảo vệ các hình thức sở hữu tập thể, sở hữu chung của cộng đồng, sở hữu tư nhân và những hình thức sở hữu khác về di sản văn hóa.
Tuy nhiên, cuộc trao đổi cũng cho thấy rằng, thời gian qua, một số kết quả đã đạt được trong lĩnh vực sưu tập tư nhân chưa tương xứng với tiềm năng và điều khó khăn nhất đối với các chủ sở hữu sưu tập tư nhân là việc nhận diện, đánh giá giá trị của hiện vật… Đây là công việc khoa học, đòi hỏi rất cao về chuyên môn và nếu không có sự giúp đỡ, vào cuộc của các chuyên gia thì sẽ không thể thực hiện được.
Nhận thấy đây là yêu cầu chính đáng, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, điều kiện của Hội, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đã nhận lời và thành lập tổ công tác gồm những nhà khoa học có chuyên môn, bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực cổ vật để triển khai công tác phối hợp theo kế hoạch và lộ trình chặt chẽ. Trong quá trình thực hiện đã nhận được sự hợp tác nhiệt tình của Chủ sở hữu sưu tập, sự quan tâm của lãnh đạo Thành phố, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố, Hội Cổ vật thành phố Hải Phòng.
Sưu tập của ông Trần Đình Thăng rất đồ sộ, không thể triển khai ngay tất cả, thế nên hai bên đã lựa chọn làm trước sưu tập gốm sứ, từ đó rút kinh nghiệm triển khai các sưu tập tiếp theo.
Sau gần 4 tháng làm việc với tinh thần nghiêm túc, khoa học, trách nhiệm cao, bước đầu đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Cùng với quá trình nghiên cứu, xác minh, thẩm định nói trên, ngày 16-01-2021, Nhà trưng bày cổ vật An Biên đã được khai trương tại Khu Vincom Plaza trên đường Lê Thánh Tông, quận Ngô Quyền và Tọa đàm khoa học về Sưu tập cổ vật An Biên tại Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng với sự phối hợp của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Chủ sưu tập An Biên, Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng và Hội Cổ vật Hải Phòng.
Những việc làm và kết quả nêu trên đã mang lại hiệu ứng tích cực, được sự quan tâm, cổ vũ của các nhà chuyên môn địa phương và cả nước cùng với các phương tiện truyền thông. Với tư cách là một trong những người theo dõi sự hợp tác này ngay từ đầu vào tháng 10-2020, tôi nhận thấy:
- Về tổng thể, bộ Sưu tập An Biên của Nhà sưu tập Trần Đình Thăng rất đồ sộ, gồm nhiều thể loại, chất liệu, niên đại, nguồn gốc, xuất xứ… được sưu tầm trong nhiều năm bằng tâm huyết, tình yêu, trách nhiệm với di sản văn hóa và cả một lượng tài chính không hề nhỏ. Các hiện vật trong sưu tập được bảo quản cẩn thận và chu đáo. Những con người và tấm lòng như vậy rất đáng trân trọng.
- Với hơn 400 cổ vật chất liệu gốm, sứ, đồng, đá và gỗ đã được nghiên cứu, xác minh, thẩm định lần này cho thấy đây là các hiện vật có giá trị về lịch sử , văn hóa, khoa học… Trong đó có những hiện vật rất độc đáo, có một không hai.
- Từ những cổ vật quý giá này, việc lựa chọn một số hiện vật thực sự tiêu biểu làm hồ sơ đề nghị công nhận Bảo vật quốc gia trong thời gian tới thực sự cần thiết. Nghiên cứu, xác minh, thẩm định giá trị cổ vật là công việc khoa học, khó khăn, phức tạp, không thể hoàn thiện ngày một ngày hai, theo tôi, chủ sưu tập cần có kế hoạch bài bản trong việc tiếp tục nghiên cứu, xác minh đối với những hiện vật chưa làm và những hiện vật đã làm nhưng cần bổ sung tư liệu.
Việc khai trương Nhà trưng bày cổ vật An Biên vừa qua là sự cố gắng lớn nhưng thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiện nội dung, hình thức và những thông tin cần thiết để giới thiệu rộng rãi với công chúng. Bên cạnh đó cũng cần có nhiều hình thức tuyên truyền, quảng bá về Sưu tập An Biên cả trong nước và quốc tế dưới dạng xuất bản sách, phim tư liệu, triển lãm ở các địa phương…
Trước mắt cần phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Hội Di sản Văn hóa Việt Nam trưng bày Sưu tập cổ vật này vào dịp kỷ niệm ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23-11-2021.
Từ kết quả bước đầu nghiên cứu, xác minh, thẩm định giá trị của Bộ sưu tập An Biên cũng gợi mở thêm những vấn đề đối với việc quản lý các sưu tập tư nhân như việc tạo điều kiện của Nhà nước thông qua các cơ chế chính sách, sự vào cuộc của các nhà khoa học, sự quan tâm của chính quyền và các cơ quan liên quan ở địa phương, đặc biệt là việc chăm lo đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ các chuyên gia đánh giá cổ vật – một trong những vấn đề rất cần thiết và bức thiết hiện nay.