TS Lê Thị Minh Lý
Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia
Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam
Cuộc sống và thời gian chảy trôi đi không bao giờ trở lại. Càng ngày con người càng cảm thấy cần hơn, yêu hơn những giá trị văn hoá, nhất là những di sản mà ở đó ta nhận ra cội nguồn, tổ tiên, ta biết ta đến từ đâu, ta là ai, ta rưng rưng mỗi khi ký ức ùa về. Cổ vật, bảo vật, di sản là niềm tự hào, là điểm tựa, là động lực văn hoá để phát triển của mỗi dân tộc, quốc gia và của cả nhân loại muốn nói về bộ sưu tập đầy ắp những giá trị văn hoá vừa được “phát lộ”, vừa ra mắt công chúng đầu năm 2021: Cổ vật An Biên của nhà sưu tập Trần Đình Thăng.
Sưu tập cổ vật có giá trị lớn
“Cổ vật là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hoá, khoa học, có từ một trăm năm tuổi trở lên” (Luật Di sản văn hoá 2001), trên cổ vật là bảo vật, loại đặc biệt quý hiếm, duy nhất, tiêu biểu của quốc gia. “Sưu tập là tập hợp các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia … được thu thập, gìn giữ, sắp xếp có hệ thống theo những dấu hiệu chung về hình thức, nội dung và chất liệu để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu lịch sử tự nhiên và xã hội”. Trước hết phải nói đến giá trị lịch sử của sưu tập An Biên. Sau một thời gian được các nhà khoa học nghiên cứu công phu, xem xét kỹ lưỡng, phân tích đối chiếu với các tài liệu, với cổ vật được kiểm kê ở các bảo tàng và các sưu tập khác, kết quả giám định cho thấy có hơn 400 hiện vật trong sưu tập An Biên là những cổ vật có hàng nghìn, hàng trăm năm tuổi. Các chuyên gia cũng nhận định rằng: Có nhiều món có thể xứng đáng là bảo vật quốc gia. Có những hiện vật tương tự như thế ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Hơn 400 hiện vật gốm, sứ, đồng, đá và gỗ có có nguồn gốc xuất xứ Việt Nam và nước ngoài, có niên đại rải rác cách ngày nay hơn 2000 năm cho tới vài trăm năm, minh định cho sự phong phú, đa dạng, dầy dạn về thời gian với bộ Sưu tập cổ vật An Biên. Có thể nói, đây là bộ sưu tập lớn, cổ vật đẹp, nguyên lành, ý nghĩa và thuần Việt (nghĩa là đồ có xuất xứ Việt Nam nhiều hơn, đặc sắc hơn). Điều đó chứng tỏ chủ nhân xây dựng sưu tập này có mục tiêu và có quá trình theo. định hướng chiến lược rất rõ.
Một tấm lòng…
Theo thống kê của Cục Di sản văn hoá (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) tính đến năm 2020 ở Việt Nam có hơn 50 nhà sưu tập tư nhân đăng ký với nhà nước hoạt động bảo tàng. Con số các nhà sưu tập tư nhân “ẩn danh” còn rất nhiều, có lẽ gấp ba, bốn lần. Trong chuyến công tác của Hội Di sản văn hoá Việt Nam, chúng tôi ghé thăm Hội Cổ vật Hải Phòng, một trong những tổ chức mạnh về sưu tập cổ vật. Ở đó chúng tôi gặp ông Trần Đình Thăng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội. Ông Thăng rất ít nói nhưng khi nói thì ngôn từ trau chuốt, thông tin rõ ràng, cụ thể và logic. Ngay lập tức chúng tôi nhận ra điều ông đang đau đáu. Câu hỏi của ông cũng là trăn trở của anh chị em chúng tôi, những người lãnh đạo Hội Di sản Văn hoá Việt Nam và các tổ chức trực thuộc Hội: Làm thế nào để các cổ vật (di sản văn hoá) được mọi người biết đến, cảm nhận được giá trị? Từ đó tăng thêm niềm tự hào về văn hoá của đất nước mình, về tổ tiên mình?. “Văn hoá Việt giàu có lắm, cha ông mình tài giỏi lắm. Sự tinh tế, sang trọng, kiêu hãnh của một dân tộc có chủ quyền thể hiện trên các đồ tạo tác, các cổ vật…” – ông Thăng bày tỏ. Theo thông lệ các sưu tập thường định danh theo tên của chủ sở hữu, khi được hỏi về vấn đề này ông Thăng xúc động nói “Tên sưu tập là An Biên, An Biên…tôi chỉ là một hạt cát bé nhỏ.” Chúng tôi hiểu ông gắn bó với vùng đất này, nơi ông lớn lên, lập nghiệp và thành danh. An Biên là nơi ông quyết định trở về tìm lại những ký ức, đau đáu với những dự định và hăng say làm việc để thực hiện ước mơ.
Một niềm tin
Nói chuyện với ông Trần Đình Thăng thoải mái và rất vui bởi vì anh chị em chúng tôi cùng một lứa tuổi, cùng hệ giáo dục, nhiều ký ức chung nên quan điểm sống, cách nhìn, cách giải quyết công việc khá đồng thuận. Thế hệ chúng tôi đi học, lớn lên trong chiến tranh chống đế quốc Mỹ, thiếu thốn đủ mọi thứ nên phải chăng vì thế mà luôn đồng cảm về sự khát khao một cuộc sống tốt đẹp với những giá trị văn hoá? Điều chúng tôi cùng mong muốn đó là làm sao để con cháu mình luôn được hiểu biết lịch sử, văn hoá và truyền thống của dân tộc, của cha ông để hội nhập, tự tin bước ra thế giới. Làm sao để thế hệ trẻ thấy bản lĩnh, sự thông minh, sáng tạo của người Việt Nam trong việc học hỏi, kế thừa văn hoá, văn minh của nhân loại? Phải chăng cách trưng bày cổ vật nghệ thuật với sự diễn giải trực quan sinh động, lý thú trên cơ sở nghiên cứu khoa học đầy đủ sẽ là một trong những giải pháp giáo dục văn hoá một cách hữu hiệu và bền vững?
Hải Phòng với tôi là thành phố đẹp, nhiều ký ức. Ngày bé tôi nhiều lần đến thành phố này, tôi tưởng tượng ra cuộc sống sôi động, bao điều lý thú với những con người mạnh mẽ, cá tính vượt qua số phận qua các tác phẩm văn học nổi tiếng Bỉ vỏ, Sóng gầm, Cửa biển của nhà văn Nguyên Hồng… Rồi nghề nghiệp gắn bó tôi với bảo tàng, di sản văn hoá Hải Phòng … và bây giờ là những sưu tập cổ vật, bảo vật không chỉ của riêng nhà sưu tập Trần Đình Thăng mà còn nhiều nhà sưu tập khác.
Chúng tôi tin tưởng ở nguồn lực văn hoá, con người – thế mạnh đang đi lên từ vùng đất đầy tiềm năng này…