TS Phạm Quốc Quân
Nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia
Sưu tập cổ vật An Biên của một sưu tập gia tại thành phố Hải Phòng mà tôi được tiếp xúc mới chỉ ở con số khiêm nhường, hơn 400 cổ vật, so với những gì thoáng thấy từ bộ sưu tập ấy, nhưng cũng đủ ấn tượng về định hướng sưu tầm của chủ nhân, khi ông đặt lòng đam mê đặc biệt tới di sản văn hóa của dân tộc, với tỉ lệ lấn lướt cổ vật Việt Nam so với cổ vật Trung Hoa và Thái Lan. Đó là sự nặng lòng với văn hóa dân tộc mà doanh nhân Trần Đình Thăng nhận ra, đó là hồn cốt văn hóa của cha ông để lại mà những thế hệ tiếp nối cần phải trân trọng, giữ gìn, không thể để chúng phải “ chảy máu”, như một số quốc gia, ở một thời nghèo khó, di sản của họ phải đội nón ra đi, nay muốn hồi hương phải trả một giá quá đắt.
Cổ vật Việt Nam trong Sưu tập An Biên, trải dài từ thế kỷ 1-3 Sau Công nguyên, thế kỷ 11-12, thế kỷ 15-16-17 và thế kỷ 18-19. Đó dường như là diễn trình của lịch sử cổ-trung đại Việt Nam được kể bằng hiện vật, dù không quá phong phú, bề thế, nhưng cũng tạo nên những dấu mốc quan trọng. Dấu mốc quan trọng trước hết là thời kỳ dựng nước đầu tiên với những hiện vật mang dấu ấn Đông Sơn, nét tiếp đến là những thế kỷ đầu Công Nguyên, người Việt cổ đã đủ bản lĩnh để dung nạp những thành tố ngoại lai do người Hán đưa đến, để làm giàu thêm bản sắc văn hóa của mình, dù cho ý đồ của kẻ xâm lược muốn giải thể những giá trị văn hóa của người bị xâm lược. Bộ Sưu tập An Biên giai đoạn này, phần nào đã kể được câu chuyện ấy. Một câu chuyện mà cố Giáo sư, Viện sĩ Phạm Huy Thông đã tổng kết “Chính vì chống Hán- Đường mà ta mới là ta”. Dấu mốc quan trọng thứ ba chính là thời kỳ “phục hưng” của văn hóa Việt, sau đêm trường thuộc Bắc, mở đầu là hai triều Lý – Trần độc lập tự chủ. Bộ sưu tập gốm sứ thời Lý- Trần của An Biên khá phong phú, với đủ các dòng men: men trắng, men nâu, men lục, men nâu điểm da báo, chân chim, gốm hoa nâu.., có thể coi là sự hoàn thiện những dòng men cơ bản của gốm sứ, để tạo nên một bước ngoặt trong công nghệ sản xuất gốm của người Việt mà trong nhiều bài viết, tôi coi đây là bước ngoặt có tính cách mạng về công nghệ gốm sứ của Đại Việt. Sưu tập An Biên có những đồ gốm trắng, ví như hai chiếc liễn bổ múi, trang trí cánh sen ở vai, Bảo tàng Lịch sử quốc gia có một tiêu bản duy nhất.
Hơn một chục năm trước tôi có dịp tiếp đoàn nghiên cứu gốm sứ Nhật Bản, do Giáo sư HaSaBe và Giáo sư Morimoto dẫn đầu, khi đứng trước chiếc liễn ấy, họ đã phải thốt lên, đó là số 1. Sưu tập An Biên có hai tiêu bản thuộc số 1, hẳn cũng đáng để tự hào. Dấu mốc thứ ba, đó là thời Lê Sơ, với cuộc trung hưng đất nước lần thứ hai của Lê Lợi thành công, rồi sau đó, dưới triều Lê Thánh Tông, có rất nhiều cải cách, ghi đậm dấu ấn thời đại, một trong những cải cách mà trong công nghệ gốm sứ, tôi gọi đó là cuộc cách tân ngoạn mục, khi triều Lê đã tận dụng được bối cảnh “ bế quan tỏa cảng” (thôn bản bất hạ hải) của nhà Minh, để đưa ngành sản xuất gốm sứ Đại Việt lên một tầm cao mới, nhằm cạnh tranh với cường quốc này trên thị trường thế giới. Gốm hoa lam, gốm men trắng, gốm men nhiều màu, gốm dát vàng … thời Lê như một điểm sáng trong gốm thương mại thời kỳ ấy, và đem đến sự tươi mới cho ngành nghề thủ công làm gốm Đại Việt. Bộ sưu tập cổ vật An Biên, đồ gốm thời Lê khá phong phú, mà tôi ấn tượng ở hai dòng gốm men trắng và hoa lam. Những chiếc bát men trắng văn in trong sưu tập này là sản phẩm gốm “lò quan”, sản xuất chuyên phục vụ cho cung đình, hoàng tộc. Xương gốm mỏng như giấy, thấu quang, hoa văn sắc nét, men gốm trong, trắng như ngà, chứng tỏ đẳng cấp của dòng gốm này là không thể phủ nhận. Những nhà nghiên cứu phân gốm men trắng văn in Hàn Quốc ra ba dạng cấp: sản phẩm cao cấp, sản phẩm trung bình và sản phẩm chất lượng thấp. Sưu tập men trắng văn in của An Biên thuộc thứ hạng thứ hai, chỉ sau tiêu bản hoa văn in rồng độc nhất, vô nhị tìm thấy ở Hoàng thành Thăng Long hơn một chục năm trước.
Chủ sưu tập cổ vật An Biên đặc biệt hứng thú với gốm thời Lê sơ, qua tâm sự của anh, còn rất nhiều lý do khác nữa mà những phân tích trên đây chưa hẳn là đã nói hết. Tuy nhiên, tôi ghi nhận sự mẫn cảm, sự tinh nhạy trong lĩnh vực “tay ngang” mà anh say đắm, đam mê.
Sưu tập cổ vật An Biên không chỉ có những dấu mốc, mà còn có nhiều tiêu bản ấn tượng, đó là những lư hương hoa nam, lư hương lam xám thời Mạc, lư hương nhiều màu thời Lê Trung hưng, lư đốt trầm hình nghê bằng đồng, cùng nhiều hiện vật khác, tạo nên sự phong phú và cuốn hút đối với người chiêm ngắm trước bộ sưu tập này. Một bài viết ngắn không thể nào chuyển tải hết, xin hẹn độc giả ở một chuyên khảo sâu kỹ hơn.
Tuy nhiên, bài viết dù có dài và đâu đó có thể làm mất thì giờ của độc giả, nhưng tôi không thể không nói tới một phần quan trọng của bộ sưu tập này, đó là những cổ vật nước ngoài. Sưu tập An Biên có không ít cổ vật có nguồn gốc, xuất xứ nước ngoài, chủ yếu là cổ vật Trung Hoa, có chất liệu gốm, sứ. Duy nhất có hai đồ gốm thuộc lò gốm SawaKhalok Thái Lan, thế kỷ 15.
Ấn tượng với tôi nhất là bộ đồ gốm men ngọc và bạch định thời Tống-Nguyên, được sản xuất tại những lò Long Tuyền và Cảnh Đức Trấn. Gốm men ngọc trong Sưu tập An Biên có chất lượng men tốt, hoa văn trang trí đẹp, loại hình phong phú, gây ấn tượng đối với người xem giống như đứng trước những viên ngọc quý. Men ngọc ở những thập niên 60, 70 của thế kỷ trước, hẳn là niềm mơ ước của nhiều nhà sưu tập lão làng Hà Nội, mà những đại gia như Đức Minh, Huệ muối, Đông Thịnh, Lâm cà phê, Dương Long Vân, hay ngay cả Vương Hồng Sển đều mong sở hữu, nhưng tìm kiếm đâu ra vào thời đấy.
Năm 1995, tôi có dịp sang công tác tại Cộng hòa Pháp, được bạn cho đến thăm sưu tập cổ vật của Bảo tàng Đài Loan phối hợp với Bảo tàng Guime, trưng bày tại một lâu đài lớn ở Thủ đô Paris. Đó là sưu tập cổ vật hoàng gia của Trung Quốc với rất nhiều cổ vật vốn là ở Cố cung. Tại đây, tôi nhìn thấy một chiếc bát gốm men ngọc hình chóp nón đặt ở cuối bức tranh vẽ mực nho, dài 20m, chạy gần hết chiều ngang căn phòng trưng bày. Đó là bức tranh thời Tống vẽ buổi trà đạo cung đình, nhưng những người làm trưng bày đặt chiếc bát tưởng như rất đơn độc ấy ở cuối bức tranh lại như một sự kết nối, mà cả hai đều phát huy hiệu quả, khi chiếc bát là một phần chủ yếu của đồ dùng trong bức tranh trà đạo.
Sưu tập An Biên cũng có một chiếc bát tương tự, theo tôi, nó không phải là đồ gốm thương mại thông thường, mà đó là quà tặng biếu của Hoàng gia nhà Tống đối với Hoàng gia triều Lý. Đó là một giả thiết lãng mạn nhưng phần nào đó rất đáng được lưu tâm.
Có thẻ nói, Sưu tập An Biên giới thiệu ngày hôm nay đã cho những người chiêm ngắm một cảm nhận phấn khích. Đó là một sự nỗ lực lớn của Chủ sưu tập. Đó cũng là sự giúp đỡ quan trọng của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng cùng với Hội Cổ vật của thành phố hoa phượng đỏ, để có một phòng trưng bày và một cuộc tọa đàm ấn tượng. Tôi mong rằng, và có lẽ, điều mong muốn ấy không chỉ của riêng tôi, Sưu tập An Biên sẽ tiếp tục được hoàn thiện và phát huy ở một thành phố biển đầy năng động như Hải Phòng, muốn hướng tới du lịch như một ngành kinh tế mũi nhọn, thì những sưu tập cổ vật của những cá nhân như thế này hẳn sẽ là một nhân tố đáng được quan tâm khích lệ.