PGS.TS. BÙI VĂN LIÊM

Tổng Biên tập Tạp chí Khảo cổ học

Phó Chủ tịch thường trực Hội Khảo cổ học Việt Nam

Nguyên phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học

           Những ai yêu quý hiện vật, cổ vật và bảo vật ở Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh, thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành khác đều biết đến sưu tập cổ vật An Biên chủ nhân là ông Trần Đình Thăng, tọa lạc tòa nhà 6 tầng (trong đó có 5 tầng trưng bày giới thiệu sưu tập cổ vật theo xuất xứ, niên đại, chất liệu…), tại số 02-18M, Vincom, Lê Thánh Tông, Quận Ngô Quyền, Thành phố Hải Phòng, thuộc Bảo tàng cổ vật An Biên.

Tôi đã có cơ may được tiếp xúc với bộ sưu tập này, may mắn hơn là được đi cùng với những bậc thầy về gốm, sứ Việt Nam, khu vực và thế giới đó là TS. Phạm Quốc Quân, PGS.TS. Tống Trung Tín, TS. Nguyễn Đình Chiến. Từ học hỏi đến thu nhận bổ ích cho bản thân, đặc biệt đọng lại trong tôi những ấn tượng ban đầu!

Ấn tượng trước hết đối với tôi là tên gọi sưu tập An Biên (An Biên collection), khi mà ở hầu hết các sưu tập cổ vật tư nhân trong và ngoài nước, xưa cũng như nay, đều gắn liền với tên riêng hoặc tên công ty mình làm chủ tịch. Ông Trần Đình Thăng lấy An Biên đặt tên cho một sưu tập cá nhân với một lý do riêng, khi tên này có từ thời nữ tướng Lê Chân dấy nghĩa, khởi nghiệp. Bà mang tên gọi ấy từ quê hương Đông Triều của mình đặt tên cho vùng đất mới, nay thuộc Thành phố Hải Phòng như một sự tri ân với cố hương, Do đó, là Người con của Thành phố anh hùng, Trần Đình Thăng đã theo bước tiền nhân để đặt tên cho sưu tập cổ vật của mình, thiết nghĩ cũng mang đậm nghĩa tình với mảnh đất mình sinh ra, lớn lên, trưởng thành và có nhiều đóng góp rất cơ bản. Đó là sự suy nghĩ sâu sắc mang tính nhân văn và quyết định của Thành phố Hải Phòng cho phép sử dụng tên gọi này thật vô cùng có ý nghĩa.

Ấn tượng thứ hai, với sưu tập cổ vật An Biên, đó là sự phong phú cổ vật Việt Nam với nhiều loại hình và chất liệu, kể được câu chuyện lịch sử hơn 2000 năm của người Việt, suốt từ thời Đông Sơn, hai ba thế kỷ trước Công nguyên đến thế kỷ 17, 18. Trong sưu tập cổ vật này, người xem thấy được bốn dấu mốc quan trọng trong diễn trình lịch sử của dân tộc, đó là Đông Sơn thời dựng nước, đó là mười thế kỷ đầu Công nguyên đấu tranh chống Bắc thuộc, đó là thời Lý – Trần huy hoàng phục hưng văn hóa, đó là thời Lê sơ – Mạc – Lê Trung hưng, đặc biệt với thành tựu trung hưng đất nước lần thứ hai của vị Vua tài đức Lê Thái Tổ. Những câu chuyện lịch sử ấy, qua sưu tập An Biên, nếu được bảo tàng hóa, lịch sử hóa, văn hóa hóa, phổ thông hóa, thông qua từng cổ vật, từng nhóm cổ vật sẽ đến với công chúng một cách hấp dẫn và thuyết phục hơn.

Ấn tượng thứ ba, với sưu tập An Biên, đó là sự hoàn mỹ, chu viên của những cổ vật được sưu tầm. Trong số ấy có những cổ vật đặc biệt ấn tượng về hình khối và hoa văn trang trí. Đó là những lư hương gốm hoa lam, gốm lam xám thời Mạc, thế kỷ 16. Đó là lư hương men nhiều màu, lư đốt trầm bằng đồng hình nghê thời Lê Trung hưng, thế kỷ 17. Đó là những pho tượng Phật bằng gỗ Ngọc Am được xác định niên đại C14 khoảng thế kỷ 16 – 17 và 17 – 18, ẩn chứa nhiều giá trị nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng cần tiếp tục tìm tòi, khám phá và quảng bá.

Ngoài cổ vật thể khối lớn, những cổ vật gốm men kích thước nhỏ, tinh tế về kỹ thuật chế tác và hoa văn trang trí, thuộc niên đại Lý – Trần, Lê sơ, đã phản ánh trung thực trình độ cao trong kỹ thuật làm gốm của người thợ ở ba triều đại này. Khá nhiều trong số ấy là những đồ gốm xuất khẩu, những đồ dùng hoàng gia, cung đình…

Ấn tượng thứ tư, với sưu tập An Biên, đó là những cổ vật, đặc biệt là chất liệu gốm và đồng, thể hiện sự giao thoa tiếp biến văn hóa, thể hiện sự bảo lưu truyền thống được nhận ra qua dáng hình, qua hoa văn trang trí. Giao thoa, tiếp biến trên đồ gốm Lý có sự ảnh hưởng qua lại với gốm Tống đương thời. Với gốm men ngọc thời Trần hao hao với gốm Nguyên, đã được nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước nhận ra, như là tín hiệu của đồng văn, chứ không chỉ đơn thuần là giao thoa tiếp biến. Đó là những câu chuyện về cổ vật, về hiện vật bảo tàng đầy hấp dẫn và lý thú, nếu được diễn giải với những thông tin có cơ sở khoa học thuyết phục. Sự bảo lưu trên những đồ đồng giai đoạn muộn, thế kỷ 1 – 3 sau Công nguyên, là những tổ hợp hoa văn mang nhịp đập, hơi thở của sức sống mãnh liệt – Đông Sơn, mà trong sưu tập An Biên không khó để nhận ra những kiểu hoa văn như thế. Hiện tượng này cũng thấy trên đồ gốm ba thế kỷ đầu Công nguyên với khá nhiều dẫn dụ có sức thuyết phục.

Ấn tượng thứ năm, với sưu tập An Biên, đó là những cổ vật có nguồn gốc, xuất xứ từ nước ngoài. Tỷ lệ cổ vật nước ngoài trong sưu tập An Biên không lớn, chủ yếu là gốm sứ Trung Hoa, thuộc thời Đường – Tống – Nguyên, Minh – Thanh, trong sưu tập An Biên có nhiều tiêu bản đẹp, đặc biệt là dòng gốm men ngọc. Đó là những chiếc đĩa có kích thước lớn, hoa văn đẹp, sắc nét, men dầy tựa như một viên ngọc quý. Đặc biệt, chiếc âu gốm men ngọc có nắp vừa ám họa hoa văn, vừa có đắp nổi những cành hoa lá, như một tiêu bản hiếm quý, được đánh giá cao trong phức hợp gốm men ngọc thời Nguyên, ngay tại chính quốc. Trong sưu tập An Biên còn có những đồ gốm hoa lam, đặc biệt là chiếc bát hình trái chuông vẽ hoa dây. Đây có thể coi là dấu mốc mở đầu cho gốm hoa lam thời Nguyên vẽ lam Hồi mà ngay tại Trung Quốc lục địa, đồ gốm này cũng vô cùng ít ỏi trong kho tàng di sản đồ gốm hoa lam triều đại này.

Cổ vật nước ngoài trong sưu tập An Biên như một điểm sáng, có sức hút đối với người sưu tầm, nhưng từ trong thẳm sâu của nhà sưu tập, tôi vẫn thấy ở anh sự say sưa với gốm Việt Nam, nơi lắng đọng tâm hồn của cha ông, nơi hội tụ những giá trị văn hóa dân tộc, nơi gửi gắm những tình cảm quê hương đất nước, được toát lộ từ sâu thẳm bên trong những cổ vật ấy với những giá trị văn hóa phi vật thể tràn đầy.

Thật cảm động khi được tiếp xúc với sưu tập cổ vật An Biên, xin cảm ơn chủ nhân ông Trần Đình Thăng và các cộng sự, từ niềm đam mê khát bỏng đến đầu tư rất nhiều công sức, trí tuệ để có được sưu tập cổ vật rất nhiều giá trị trên các lĩnh vực lịch sử, văn hoá, kỹ/mỹ thuật với thành phố Hải Phòng nói riêng và nước Việt nói chung.

Xin cảm ơn TS. Phạm Quốc Quân – người thầy đã đưa ra những ý tưởng và hướng tôi viết vài nhận thức ngắn này./.