TS. Nguyễn Đình Chiến
Nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam
Hơn 10 năm trước đây, khi tham gia biên tập cuốn sách Cổ vật Hải Phòng tôi đã biết đến những sưu tập cổ vật – tinh hoa tụ hội miền đất Cảng. Đó là những cổ vật thuộc các chất liệu đồng, gỗ, đá, gốm sứ và giấy vải.. thuộc nhiều triều đại khác nhau trong lịch sử (Nguyễn Bá Thanh Long, 2009). Nhưng gần đây ,khi được tiếp xúc trực tiếp với sưu tập cổ vật An Biên của ô Trần Đình Thăng , Phó chủ tịch Hội cổ vật Hải Phòng , tôi lại thấy thêm những điều mới lạ. Bài viết này xin được trao đổi thêm về những điều mới lạ ấy.
- Sưu tập cổ vật An Biên có sự hiện diện đầy đủ các giai đoạn chính, những dòng men chính của lịch sử gốm sứ Việt Nam.
Sưu tập gồm những mô hình nhà đất nung còn khá nguyên lành, mang dấu ấn kiểu đời Đông Hán, thế kỷ 1-3 (Nguyễn Bá Thanh Long, 2009, tr 312-313). Những đồ gốm men trắng mỏng, thường gọi là men giấy, thuộc loại hình đồ gia dụng như bình con tiện, hũ, liễm có nắp, ấm đầu gà …mà tạo dáng tương tự trên đồ đồng cùng thời (Nguyễn Bá Thanh Long, 2009, tr 119-128).. Những loại hình gốm này có lẽ phần nhiều được tìm thấy ở Thủy Nguyên, nơi tồn tại những ngôi mộ gạch thời Đông Hán – Tùy Đường. Có lẽ cũng vì vậy mà ở đây còn tìm thấy nhiều loại bình, hũ có gắn những dải quai trên vai, khắc chìm băng cánh sen, men phủ mầu trắng xám ngả vàng. Loại ấm lò gốm Trường Sa có miệng hơi loe, cổ hình trụ, vai phình, thân dáng trụ, quai nhỏ hình khuyên, vòi ngắn, cắt ngang hình bát giác. Đặc biệt trang trí nổi trên thân ấm là hình võ tướng đặt trên ô hình chiếc lá, tô men nâu. Các loại ấm này có niên đại khoảng thời Tùy- Đường, thế kỷ 7-9.Tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long cũng phát hiện loại ấm tương đồng (Tống Trung Tín, 2020, tr 148).
Từ thời Lý trở về sau, trong sưu tập có đầy đủ các dòng gốm men như men trắng ,men ngọc, men nâu và hoa nâu, men hoa lam…
Đồ gốm men trắng thuộc các triều Lý- Trần –Lê cũng rất phong phú về loại hình. Những chiếc đài sen tròn, bao quanh trang trí một băng cánh sen nổi, cánh to xen nhỏ cùng với một băng vòng tròn nhỏ, mặt trong của đài để mộc, khắc cành hoa lá. Tước hình chim vẹt, ấm hình con nai, liễn có nắp, thạp cao hình trụ, vai chạm khắc băng cánh sen, phủ men trắng bóng. Đặc biệt hơn là những chiếc ấm có nắp,vòi hình đầu rồng, quai tượng vẹt, trang trí băng cánh sen nổi, vòng tròn nhỏ, vạch đứng và hoa dây , chính là những tác phẩm điển hình thể hiện một dòng nghệ thuật gốm có sự kế thừa nhuần nhuyễn sau cả ngàn năm Bắc thuộc. Cho đến thời Lê sơ, loại bát và đĩa men trắng ngà, xương gốm mỏng in nổi hình sóng nước và cá, rồng phượng và mây, nay tìm thấy cả ở Hoàng thành Thăng Long và Lam Kinh (Thanh Hóa),cho thấy sự phát triển đỉnh cao của nghề gốm nước ta. Các loại hình đồ gốm men trắng khác như tượng cóc, nghiên mực, điếu bát, bình vôi…chính là phản ánh sự phong phú của loại hình sản phẩm gốm trong đời sống văn hoá người Việt.
Đồ gốm men ngọc ở Việt Nam xuất hiện từ thế kỷ 11, phát triển rực rỡ vào thế kỷ 13-14 và kéo dài sang thế kỷ 15. Loại hình tập trung nhất các loại đồ gia dụng như bát, đĩa, ấm chén. Các loại ấm thời Trần dáng quả dưa, thân khắc chìm dây lá hay bổ ô dọc thân, chia thành nhiều múi. Đa số vòi các ấm là hình chân thú. Men phủ màu ngọc xanh xám hay vàng ngà . Các dáng âu men ngọc hình trụ, thành ngoài in nổi băng cánh cúc, cánh sen, có miệng cúp, thành cong hay thành vát. Bát, đĩa men ngọc thời Lý ,trong lòng in nổi hoa sen, hoa cúc có phần gần gũi loại bát, đĩa thời Tống. Hoa lá cúc, mây sòi, hoa sen chia thành tầng, thường thấy in nổi trong lòng bát, đĩa thời Trần. Thời Lê sơ xuất hiện loại hình ấm rượu có miệng đấu, quai cong, vòi cao, dọc thân chia múi, men phủ màu xanh ngọc xám. Hũ có nắp, vai có 4 núm ngang tương tự loại hình gốm men trắng . Bình có miệng loe, cổ cao hình trụ, thân phình phủ men ngọc xanh. Lư hương tròn, miệng loe ngang, cổ hình trụ thấp, thân tròn dẹt, đế thấp có gắn 3 chân nhỏ, là những tiêu bản tương tự đã tìm thấy ở di tích lò gốm Chu Đậu (Hải Dương).
Đồ gốm men nâu và hoa nâu là dòng gốm độc đáo lấy trang trí màu nâu làm chủ đạo, mang đậm nét nghệ thuật dân gian, đã từng chiếm vị trí rất quan trọng trong phức hợp gốm suốt 4 thế kỷ, đóng góp nhiều nét riêng cho nền mỹ thuật Đại Việt. Trong sưu tập cổ vật An Biên, thuộc dòng gốm men nâu xuất hiện loại ấm có kiểu dáng và trang trí băng cánh sen nổi tương tự gốm men ngọc hay men trắng. các loại hình khác như lọ, bình ,âu, bát có kiểu dáng tương tự gốm men ngọc và gốm hoa lam.Những loại đồ gốm trong lòng men trắng, ngoài men nâu có bát, đĩa, đài chân cao, tượng mèo, tượng dê..Đồ gốm hoa nâu nổi bật với loại hình thạp, kích thước lớn, trang trí có nền trắng hoa nâu và hoa nâu nền trắng ngà, với băng hoa lá và cánh sen, được chạm khắc chau chuốt tỷ mỷ. Và giai đoạn cuối thời Trần, dáng thạp cao hơn, hoa văn hoa lá sen mô tả gần gũi hiện thực hơn. Đại diện loại hình liễn có năp là chiếc liễn thời Lý, thân chia 8 múi, trang trí các băng cánh sen và vòng tròn nhỏ, nổi bật với các viền tô men nâu. Những mẫu ấm gốm hoa nâu tiêu biểu thời Lý như kiểu ấm có cấu tạo tựa như ghép chiếc âu và chiếc đĩa cao chân, vòi cong, quai cong, khắc băng cánh sen và những vòng tròn nhỏ . Ở đây còn gặp kiểu ấm hình tượng voi có quản tượng, ấm hình con cóc, tước hình chim mỏ dài.
Đồ gốm hoa lam xuất hiệnnhiều loại hình trong giai đoạn cuối thời Trần. Đây là các loại hình vẽ trang trí màu nâu rỉ sắt như bình tỳ bà, lọ, hũ. Loại đồ gốm vẽ màu xanh đen như ấm, âu, bát với đề tài hoa thảo ,mây, hoa lá cúc. Đặc biệt là những mẫu bình tỳ bà vẽ trang trí men màu xanh đen với 7-8 băng hoa văn cánh sen đầu vuông, hoa dây hình sin,hoa phù dung, hình long mã giữa hoa dây lá, mang đậm dấu ấn giao lưu với gốm sứ thời Nguyên. Đáng kể là sự hiện diện của nhóm đồ gốm hoa lam thời Lê- Mạc như bình ,lọ, hũ, ấm có nắp, vẽ trang trí băng cánh sen, hoa cúc dây, chim chóc cùng cây lá. Các loại ấm tỳ bà hoa lam, kết hợp trang trí hình chim vẹt và cành lá đào trong ô lá đề, ấm hình gà, ấm 2 chim phượng, hộp tròn, ken dy vẽ hình sư tử… chính là các loại hình tương tự trong tàu cổ Cù Lao Chàm, thế kỷ 15. Sưu tập cổ vật An Biên còn nhiều loại hình đồ gốm thời Mạc như chân đèn, lư hương, ấm gốm men lam xám và hoa lam. Những tiêu bản đĩa gốm hoa lam vẽ nhiều màu, đáy tô nâu hay kendy vẽ sư tử, đĩa men lam xám vẽ nhiều màu là những tiêu bản khá nguyên lành. Những đồ gốm thuộc lò Bát Tràng có sự hiện diện của nhóm lư hương, ấm, bình vôi, tượng nghê, gốm men nhiều màu. Những chân đèn đế nghê, lư hương chữ nhật trang trí nổi để mộc đề tài rồng, mây, nghê, cánh sen.. là những đồ gốm điển hình thế kỷ 17.
2 Sưu tập cổ vật An Biên có những đại diện xuất sắc của đồ gốm sứ các thời Tống- Nguyên –Minh –Thanh.
Loại hình đồ gốm sứ Trung Quốc được chủ sưu tập tuyển lựa thuộc các dòng men trắng , men ngọc, hoa lam và nhiều màu. Các loại hình ấm, bình, lư hương men xanh ngọc hay xanh xám, vàng xám, rạn phiến, có sự kế thừa thời Đường. Phổ biến hơn là loại hình bát, đĩa miệng loe, thành cong, chân đế nhỏ. Thành ngoài in nổi băng cánh sen, trong lòng khắc chìm hoa sen hay để trơn. Men ngọc màu xanh ngọc, xanh da táo hay ngả vàng. Loại bát, đĩa men ngọc thời Nguyên lại thiên về kiểu dáng miệng loe, thành thấp, chân đế rộng. Sự chuyển dáng giữa thời Tống và Nguyên cũng thấy tương tự trên gốm thời Lý- Trần ở nước ta. Một số loại hình đồ gốm men trắng thời Nguyên trong sưu tập là bát, hộp, lọ và tượng Di Lặc tam tôn . Những cổ vật này có cốt mịn, chắc, men phủ dày, bóng phản ánh kỹ thuật chế tác rất tinh mỹ. Nhóm đồ gốm men ngọc có các loại hình đồ gia dụng như bát, đĩa, liễn và bình. Đây là những loại hình được xuất khẩu khá nhiều ở thế kỷ 13-14. Đáng chú ý loại bình men ngọc đặc trưng thời Tống- Nguyên, miệng đấu, cổ hình trụ cao, vai vát, thân hình trụ, đáy lõm. Cổ bình gắn 2 quai tượng cá. Liễn men ngọc có nắp có 2 loại. Một chiếc có thân dáng trống, xung quanh in nổi băng hoa sen dây giữa 2 băng những bông hoa nổi; nắp liễn cong hình chỏm cầu, gắn nổi bông hoa có 6 dải tay xoắn. Một chiếc khác có miệng đứng, vai phình, thân eo. Dọc thân chia múi cánh cúc. Nắp liễn hình lá sen khắc các lớp cánh sen.. Đây chính là những tuyệt tác của lò gốm Long Tuyền, tỉnh Chiết Giang. Nhóm đĩa gốm men ngọc màu xanh da táo và vàng xám, phần nhiều có miệng loe ngang, gờ miệng lõm lòng máng, thành cong, đáy lõm có dấu khoanh lòng. Một số đĩa có gờ miệng cắt khấc hình cánh hoa, thành trong in cánh cúc. Đặc biệt có chiếc, giữa lòng in nổi hình rồng mây điển hình thời Nguyên. Đây là những loại hình đĩa nhiều kích cỡ tương tự trong tầu cổ Bình Châu (Quảng Ngãi) được khai quật năm 2013. Những tiêu bản gốm sứ hoa lam đáng kể nhất là chiếc bát thời Nguyên, miệng loe, thành cong, chân đế thấp và rộng. Giũa lòng vẽ 2 con uyên ương bên hoa lá sen. Thành trong gờ miệng vẽ băng cúc dây. Thành ngoài, phía trên vẽ băng sen dây, phía dưới vẽ băng cánh sen đầu vuông kép, bên trong vẽ dải xoắn. Men vẽ màu xanh lam sẫm, men phủ trắng xanh. Đây là một sản phẩm hiếm quý đại diện cho dòng gốm hoa lam thời Nguyên, sản phẩm đặc trưng lò gốm Cảnh Đức Trấn, tỉnh Giang Tây.Chiếc hũ men xanh tím thời Minh, xung quanh vẽ vàng kim, dù đã phai bạc qua thời gian nhưng cũng rất đáng chú ý. Trong sưu tập còn có những tiêu bản bát , đĩa sứ hoa lam cùng loại tìm thấy trong tàu cổ Bình Thuận thời Minh Vạn Lịch và tàu cổ Cà Mau thời Thanh Ung Chính, 1723-1735. Điều đó chứng tỏ việc sưu tầm tuyển chọn của chủ sưu tập rất chú ý đến nguồn gốc và niên đại của mỗi món đồ.
- Sưu tập cổ vật An Biên có nhiều cổ vật và nhóm cổ vật , đủ tiêu chí để xem xét đề nghị Chính phủ công nhận Bảo vật Quốc gia.
Qua theo dõi quá trình giám định sưu tập cổ vật , nhiều ý kiến đánh giá của các nhà khoa học cho rằng Nhóm đồ gốm men trắng thời Lý là rất xứng đáng làm hồ sơ đề nghị xếp hạng. Đó là một nhóm đồ gốm có chung những đặc điểm về tạo hình, trang trí và lớp men phủ. Nhóm này gồm các loại hình tước hình chim vẹt, thạp, liễn và ấm có nắp, trang trí nổi băng cánh sen, cánh to xen cánh nhỏ rất tinh tế. Những đĩa, bát men trắng, miệng loe, thành cong, chân đế thấp. Trong lòng in văn sóng nước và bông hoa mai. Âu gốm men trắng , trong lòng khắc chìm bông hoa sen và khóm lá… Nhóm đồ gốm men trắng này đều có hiện trạng bảo tồn rất tốt, nhiều chiếc đạt tiêu chuẩn đồ sứ, lớp men phủ đều sáng bóng. Đây là những độc bản, xứng đáng đại diện cho khuynh hướng chế tác đồ gốm thời Lý ở thế kỷ 11-13.
Hải Phòng còn nhiều cổ vật giá trị đang được lưu giữ trong các sưu tập tư nhân và trong di tích lịch sử văn hóa. Chiếc lư hương gốm hoa lam thời Mạc, thế kỷ 16, trong sưu tập cổ vật An Biên cũng là trường hợp khá đặc biệt.( Nguyễn Bá Thanh Long, 2009, tr267). Lư hương có cấu tạo gồm các phần rời lắp khớp lại sau khi nung. Xung quanh lư vẽ trang trí men lam, gồm 7 băng hoa văn: khóm hoa lá, băng cánh sen kép, rồng yên ngựa chân 4 móng, băng sóng nước, băng sen dây, băng cánh hoa và băng hình khánh. Xen giưa các băng ở chân đế là 2 đường viền tô men nâu. Trong số các lư hương thời Mạc hiện biết ở Việt Nam, chiếc lư hương này có kích thước lớn nhất. Chiếc lư không phải tìm được trong lòng đất nhưng chắc chắn là một cổ vật lưu truyền từ một ngôi đền miếu lớn mang tầm quốc gia ! Những bộ chân đèn lư hương thờì Mạc hiện còn đến nay cho thấy chúng được tạo hình rất cao. Chẳng hạn, cặp chân đèn và lư hương thời Mạc hiện lưu giữ tại Bảo tàng Nam Định đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia , cao 76 cm và 40 cm (Nguyễn Đình Chiến, 1999, tr 75-76).
Trong khi đi tìm tài liệu về các tác phẩm gốm men lam xám thời Mạc do tượng nhân Đặng Huyền Thông, quê ở xã Hùng Thắng, huyện Thanh Lâm, phủ Nam Sách tạo tác trong khoảng 1580-1590, chúng tôi đã gặp nhiều cổ vật hiện lưu giữ trong các sưu tập riêng ở Hải Phòng. Đó là chân đèn 2 phần thuộc sưu tập Đức Hùng, tạo tác năm 1578-1588; Chân đèn 2 phần trong sưu tập Hoàng Thanh Trung, tạo ngày 11 tháng 8 năm Hưng Trị 2,1589; Lư hương trong sưu tập Lê Bá Hồng, tạo năm Hưng Trị 3, 1590; Một tầng của cây tháp mô hình men lam xám, có đủ đặc điểm về hoa văn rồng, tượng võ sỹ và men để xác định là tác phẩm gốm Đặng Huyền Thông, tạo vào năm 1588-1591, hiện lưu giữ tại chùa Minh Phúc, thôn Minh Thị, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng; (Nguyễn Đình Chiến, 2017, tr 53, 95, 99, 123). Lư hương trong sưu tập cổ vật An Biên là chiếc lư có cấu tạo 4 phần : miệng đấu, cổ hình trụ, bụng hình cầu dẹp, chân đế choãi. Xung quanh thân lư gắn 3 đôi quai, đối xứng từng đôi một. Miệng lư chạm nổi 2 cặp rồng uốn trong khung chữ nhật, chầu vào ô rồng cuốn trong ô vuông. Xung quanh cổ lư chạm nổi 2 mảng hoa sen dây và chữ Phật trong 2 ô tròn. Bụng chân lư choãi hình nón, chạm nổi các băng hoa văn nửa bông hoa trong tam giác, vạch đứng song song. Chân lư còn gắn 4 chân thú chạm nổi mặt nghê. Men phủ trên lư màu lam xám và vàng nâu. Trên 4 dải quai nhỏ in nổi minh văn : Định hương, Tuệ hương, Giải thoát hương, Giải thoát tri kiến hương. Dịch nghĩa : Hương Định, Hương Tuệ, hương Giải thoát, hương Giải thoát tri kiến thuộc Ngũ phần hương. Căn cứ lớp men phủ và minh văn, chúng tôi xác định lư hương là tác phẩm của Đặng Huyền Thông, tạo năm 1588-1591.( Nguyễn Đình Chiến, 2017, tr 120-121) .
Sưu tập cổ vật An Biên là sưu tập chọn lọc từ nhiều vùng miền khác nhau, cả trong và ngoài Việt Nam. Nếu xem mỗi cổ vật là một tinh hoa, thì hẳn vậy, sưu tập này là nơi tinh hoa tụ hội đáng ngạc nhiên. Bởi chủ nhân sưu tập, Ô Trần Đình Thăng cùng người cộng sự – nhà sưu tập nhiều kinh nghiệm Nguyễn Bá Thanh Long, đã dày công tuyển chọn, để có một sưu tập phong phú, đa dạng về loại hình, về trang trí hoa văn và các loại men điển hình của các dòng gốm sứ Việt Nam, Trung Quốc, trải qua nhiều thế kỷ, rất đáng thưởng ngoạn. Sưu tập cổ vật An Biên, xứng đáng được coi là một kho báu vật, tinh hoa văn hóa nhân loại., rất cần được giới thiệu , quảng bá rộng rãi./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Nguyễn Đình Chiến, 1999, Cẩm nang đồ gốm Việt Nam có minh văn, thế kỷ 15-19. BTLSVN xb. (Song ngữ Việt- Anh) .
Nguyễn Đình Chiến, 2017, Đặng Huyền Thông – Tượng nhân gốm tài hoa thời Mạc. Nxb. Thanh niên . (Song ngữ Việt- Anh)
Tống Trung Tín, 2020, Văn hiến Thăng Long- Bằng chứng khảo cổ học. Nxb. Hà Nội. (Song ngữ Việt- Anh)
Nguyễn Bá Thanh Long, 2009, Cổ vật Hải Phòng. Hội cổ vật Hải Phòng- Bảo tàng Hải Phòng xb. (Song ngữ Việt- Anh)