LÊ KHẮC NAM

Phó Chủ tịch Thành phố Hải Phòng

     Rất ấn tượng khi xem hơn 300 cổ vật trong sưu tập cổ vật An Biên. Sự đa dạng loại hình và độc đáo của từng hiện vật thể hiện sâu sắc, rõ nét nền văn hóa bản địa, có sức sống mãnh liệt, phát triển ổn định suốt chiều dài lịch sử dân tộc.

     Cổ vật là thành quả quá trình lao động, sáng tạo của tiền nhân, tài sản vô giá truyền đời hàm chứa dấu ấn xã hội, triều đại từng thời điểm lịch sử. Hiếm bộ sưu tập, bảo tàng tư nhân nào có những hiện vật đặc sắc, kỹ mỹ nghệ cao, tính toàn vẹn nguyên gốc như ở đây. Cho thấy chủ sở hữu đã ý thức, dày công trong quá trình sưu tập. Giá trị lớn của sưu tập cổ vật An Biên là niên đại hiện vật được tiếp nối liền mạch lịch sử, đời sống xã hội suốt hơn 2 thiên niên kỷ từ văn hóa Đông Sơn tới quốc gia Đại Việt, minh chứng người Việt Nam từ ngàn xưa đã sáng tạo, kế thừa tinh hoa của nền văn minh sông Hồng, tiếp thu chọn lọc yếu tố văn hóa ngoại sinh để phát triển, đạt thành tựu ở mọi lĩnh vực, khẳng định bản sắc một quốc gia độc lập, văn hiến.

     Cổ vật không chỉ là thú chơi, đam mê mà còn là lĩnh vực nghiên cứu khoa học, đòi hỏi công phu và kiến thức tổng hợp sâu rộng. Gìn giữ, sưu tập cổ vật cũng là tri ân với cội nguồn, tôn trọng văn hóa, lối sống của tiền nhân, nối dòng chảy hành trình lịch sử quá khứ với hiện tại để phát triển kinh tế, văn hóa xã hội.

     Ngày nay đất nước mở cửa giao lưu, quan hệ sâu rộng với thế giới. Việt Nam cũng như các quốc gia khác có chính sách khuyến khích các sưu tập tư nhân. Luật Di sản Văn hóa là cơ sở pháp lý cho việc sưu tầm, trao đổi, lưu giữ và trưng bày cổ vật.

     Phát huy, quảng bá giá trị di sản văn hóa dân tộc cho các thế hệ người Việt Nam cũng như cộng đồng quốc tế là trách nhiệm của các cơ quan quản lý và toàn xã hội. Tôi đề cao việc Hội DSVH Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Hội Khảo cổ học Việt Nam, Viện Khảo cổ học – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Sở Văn hóa Thể thao Hải Phòng, Bảo tàng Hải Phòng, Hội Cổ vật Hải Phòng và các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, các nhà chuyên môn đã có những nghiên cứu, đánh giá nhằm làm rõ giá trị của bộ sưu tập, đồng thời đề nghị Sở Văn hóa Thể thao Hải Phòng dựa trên kết quả thẩm định, nhận xét của giới chuyên môn lựa chọn những hiện vật quý, tiêu biểu trong bộ sưu tập trình Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Thủ tướng Chính phủ xét công nhận là Bảo vật Quốc gia.

     Hoan nghênh và ghi nhận tâm huyết của ông Trần Đình Thăng với di sản văn hóa cổ vật. Hiện vật ông sưu tập có ý nghĩa, giá trị to lớn cả về kinh tế và tinh thần cho thành phố Hải Phòng nói riêng và Việt Nam nói chung. Tôi hi vọng sưu tập cổ vật An Biên sẽ được phát huy, tỏa sáng bởi giá trị của nó xứng đáng như vậy.