“NHÓM HIỆN VẬT SỨ TRẮNG ĐÁNG CHÚ Ý THỜI LÝ”
PGS.TS Tống Trung Tín
Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam
Sưu tập hiện vật của anh Trần Đình Thăng (Bảo tàng An Biên) không nhiều lắm về mặt số lượng. Tôi cũng chưa được tiếp xúc nhiều và kỹ lưỡng hết cả. Nhưng chỉ một thoáng, tôi đã bị hút vào nhóm hiện vật sứ trắng thời Lý, có lẽ là nhóm hiện vật có giá trị cao nhất trong bộ sưu tập gốm sứ thuộc Bảo tàng An Biên (Hải Phòng).
Tôi gọi là nhóm hiện vật này là sứ trắng (White porcelein) chứ không gọi đây là gốm trắng (White ceramic) nhằm nâng cấp, khẳng định và tôn vinh ở cấp độ cao mang tính xác thực trình độ sản xuất gốm sứ Việt Nam thời Lý bởi gần đây đã có thêm nhiều cách phát hiện của các nhà khảo cổ học minh chứng các thành phần chất liệu, nhiệt độ nung của các hiện vật gốm men thời Lý ở Hoàng thành Thăng Long đã đạt trình độ đồ sứ, bởi các di vật gốm men thời Lý phát hiện tại Hoàng thành Thăng Long gần đây bằng quan sát mắt thường cũng đã cảm nhận thấy kỹ thuật cao và hoàn hảo của gốm sứ thời Lý nói chung và đồ sứ thời Lý nói riêng (Tống Trung Tín cb 2019; Tống Trung Tín cb 2020a; Bùi Minh Trí 2021).
Nhóm hiện vật sứ trắng An Biên thời Lý này gồm 8 hiện vật có đặc điểm hiện trạng như sau:
STT | Tên hiện vật | Số đăng ký hiện vật | Kích thước (cm)
Cao-Đkm-Đkđ |
Trọng lượng
(gr) |
Hiện trạng |
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | |
1 | Bình gốm men trắng có nắp | ABVN.01 a,b | 18,0 – 6,0 – 6,5 | 1.432 | Sứt đế và trong nắp |
2 | Bình gốm men trắng có nắp | ABVN.02 a,b | 20,0 – 6,0 – 9,5 | 1.326 | Sửa vành miệng |
3 | Bình gốm men trắng có nắp | ABVN.08 a,b | 14,0 – 4,5 – 9,0 | 541 | Nguyên vẹn |
4 | Bình gốm men trắng có nắp | ABVN.09 a,b | 21,0 – 4,0 – 11,0 | 1.555 | Sửa quai |
5 | Liễn gốm men trắng có nắp | ABVN.135 a,b | 21,0 – 12,5 – 16,0 | 2.455 | Nguyên vẹn |
6 | Liễn gốm men trắng có nắp | ABVN.136 a,b | 21,8 – 12,5 – 16,7 | 2.595 | Nguyên vẹn |
7 | Đĩa gốm men trắng | ABVN.187 | 4,0 – 17,2 – 6,0 | 177 | Nguyên vẹn |
8 | Đĩa gốm men trắng | ABVN.198 | 4,0 – 17,0 – 6,0 | 157 | Nguyên vẹn |
Nhóm hiện vật này hấp dẫn tôi bởi mấy đặc trưng sau:
- Những kiểu dáng thanh tú, hoàn hảo
Người Việt Nam ta thường có câu cửa miệng để nói về vẻ đẹp hoàn hảo của một con người “nhất dáng nhì da”. Trong cuộc sống, đồ đạc nói chung, đặc biệt là một đồ sứ đẹp cũng có thể xem có các tiêu chí gần tương tự. Do vậy, một sản phẩm gốm sứ ra lò, người xem, người thưởng ngoạn trình độ cao đều chú ý trước hết tới kiểu dáng đồ sứ.
Thăm Sưu tập cổ vật An Biên, dáng của nhóm hiện vật sứ trắng thời Lý ngay lập tức hút hồn người xem từ cái nhìn đầu tiên. Tám hiện vật này, theo kiểu dáng có thể chia thành 3 nhóm nhỏ hơn: Nhóm đĩa (2 chiếc), nhóm bình (4 chiếc), nhóm liễn (2 chiếc). Cả nhóm hiện vật tình trạng về cơ bản đều còn khá nguyên vẹn, cho phép người xem thấy được dáng hình hoàn hảo của chúng. Đơn giản nhất là nhóm đĩa. Đĩa sứ trắng dáng vát thẳng (2 chiếc), chân đế có độ cao trung bình, xương gốm có độ dày trung bình, mép đĩa vuốt thẳng, ve tròn, đường kính miệng rộng (17cm-17,2cm). Tạo dáng đĩa Lý đơn giản, mạch lạc, dứt khoát. Đây vốn là kiểu dáng đĩa sứ phổ biến trên thế giới.
Tạo dáng độc đáo và cầu kỳ nhất cũng là nhóm bình. Nhóm bình có 2 nhóm nhỏ hơn: nhóm bình hình cầu (2 chiếc), nhóm bình hình quả dưa (2 chiếc). Loại bình hình cầu thống nhất dáng vai phình rộng, vuốt tròn rồi vuốt thon dần xuống dưới đáy bình. Nhóm bình hình quả dưa, toàn thân và nắp tạo thành nguyên một quả dưa, dáng thon, thân bổ ô vuốt múi. Cuối cùng, nhóm liễn hình cầu lại tìm tới một sự vững chãi qua việc mô phỏng dáng quả bí ngô.
Có thể nhận ra đặc trưng tạo dáng sứ thời Lý rất ưa thích sử dụng mô phỏng hoa quả trong thiên nhiên như hoa sen, quả dưa, quả bí ngô. Sứ Lý cũng rất ưa tạo các đường nét cong mềm mại, rất ưa kỹ thuật vuốt, chuốt cả hình khối và đường nét. Tất cả những đặc trưng đó tạo nên dáng vẻ thanh tú của nhóm sứ trắng An Biên thời Lý. Hẳn nhiên, trong khi tạo dáng, thợ Lý cũng rất chú ý công năng sử dụng của đồ sứ. Điều đó khiến thợ Lý phải tìm đến các dáng chắc khỏe cho đồ đựng như liễn, bình hình cầu. Song ngay cả với loại đồ vật như vậy thì thợ Lý vẫn có cách để đem lại dáng vẻ thanh tú của gốm Lý bằng cách vuốt tròn dáng bình hình cầu theo tiết tấu giảm dần kích thước từ trên xuống dưới hoặc bổ ô tạo múi quả cho đôi liễn dáng quả bí ngô. Điều này dường như xuyên suốt cho tất cả các loại hình sứ cao cấp thời Lý.
2. Nước men trắng thanh khiết và nhuần nhị
Đây là tiêu chí thứ hai, tiêu chí “da” cho một tác phẩm đẹp hoàn hảo mà ở đây là men gốm. Quả thật sau dáng, nét đẹp của lớp men màu trắng của nhóm sứ trắng An Biên tiếp tục lôi cuốn người xem. Men trắng vốn là một dòng men chủ đạo của gốm sứ thời Lý. Ở các di tích thuộc Kinh đô Thăng Long cũng như ở khắp các sưu tập trong và ngoài nước, đều tìm thấy các sản phẩm sứ cao cấp men trắng thời Lý. Cũng có sưu tập có các hiện vật sứ trắng đẹp tương tự như ở nhóm sứ trắng An Biên. Nhưng đó chỉ là 1 hay 2 hiện vật. Còn ở đây, chúng ta có cả một nhóm sứ trắng mà đứng trước chúng, tôi có cảm giác như chưa bao giờ gặp được cả một nhóm sứ trắng thời Lý có sắc men trắng hoàn hảo và đầy đủ như thế này. Tất cả đều có nước men trắng, mịn trải đều toàn thân đồ sứ (trừ lòng đế và thành chân đế). Tất cả đều có độ thiêu kết chuẩn xác tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa men và phôi. Quan sát kỹ còn thấy có nhiều sắc độ trắng khác nhau giữa các hiện vật. Có sắc trắng phớt vàng (màu ngà voi) (bình quả dưa nhỏ). Có sắc trắng phớt màu sữa kem nhạt (1 bình hình cầu vòi rồng, 2 chiếc đĩa thành vát thẳng). Có sắc trắng phớt màu xám sáng (liễn dáng bí ngô, bình quả dưa to). Dù sắc độ khác nhau một chút nhưng tất cả các sắc men đều toát lên độ trong, độ sáng, thanh khiết và dịu dàng.
Đặc biệt, so với tất cả các tiêu bản sứ trắng ở các sưu tập khác thì sắc men trắng của nhóm hiện vật An Biên dường như giữ được màu tốt nhất, đảm bảo độ bóng, nước men không bị thay đổi quá mạnh bởi sự thay đổi của hình khối hoặc đường nét, cũng không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi độ dài của thời gian hay điều kiện bảo tồn. Tất cả tưởng như mới ra lò ngày hôm qua tạo nên sức lôi cuốn không thể cưỡng khi đứng trước sắc đẹp có sức bền năm tháng.
- Điểm xuyết thêm một số hoa văn trang trí tinh xảo
Nhóm hiện vật An Biên thời Lý trang trí không nhiều, không dày đặc. Phải chăng nét đẹp của dáng và da đã đạt đến chuẩn của cái đẹp để khiến cả một nền mỹ thuật tinh mỹ bậc nhất của lịch sử mỹ thuật Việt Nam (ví dụ như trang trí trên sưu tập đĩa hoa sen bằng vàng Cộng Vũ (Hưng Yên), ít chú ý thể hiện đến trang trí trên đồ sứ. Thực ra không hẳn như thế. Các hiện vật sứ trắng ở đây đều ít nhiều có hoa văn trang trí điểm xuyết.
Trên nhóm đĩa, hoa văn trang trí là hoa sen, mây cuộn được thể hiện bằng những đường cong hết sức đơn giản nhưng cực kỳ điêu luyện, bố cục dàn trải nhưng hết sức cân xứng và luôn luôn làm nổi bật hoa văn trung tâm.
Nhóm bình quả dưa, những núm nắp, những quai bình, vòi bình đều được chú ý tạo các đường cong uyển chuyển kết hợp với các đường vuốt bổ ô mềm mại. Hai chiếc bình hình cầu đều tạo vành hoa sen nổi ở nắp, vai, núm hình búp sen, vòi tạo dáng đầu rồng kích thước tuy nhỏ nhưng từng đường nét cấu trúc rất chi li, quai bình tượng trưng tạo hình chim anh vũ có thân hình khỏe khoắn, đuôi dài, mỏ to quặp ngoảnh đầu ra phía sau trong tư thế ngủ an bình. Hai chiếc liễn dáng quả bí cũng có nắp và vai cũng được tạo dáng hoa sen như bình hình cầu, trên vai thêm 6 hoặc 5 quai ngang nhỏ, toàn thân cũng bổ ô lớn được thể hiện bằng các nét khắc chìm và vuốt cong. Cuối cùng, chiếc bình quả dưa lớn, giữa mỗi ô quả, thợ Lý còn kỳ công khắc thêm một nhành hoa cúc lượn mềm và nếu nhìn tinh hơn nữa còn thấy ô gần quai bình có điểm thêm hình em bé thon mập đang leo giữa nhành hoa như biểu trưng của một xã hội an bình, thịnh trị. Đây chính là một đặc trưng nghệ thuật Lý ở thời kỳ đỉnh cao của nó.
Hoa văn trang trí thời Lý thường có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa hình khối và đường nét. Khối trong tạo hình thời Lý thường có dáng thon, thanh thoát do hiệu quả của các đường vuốt cong và tròn. Nét trong nghệ thuật thời Lý thường thanh mảnh với những đường lượn cong mềm mại với các điểm mút có độ uốn cong cực lớn trên cả các đường nét khắc chìm và các khối nổi. Tất cả, khi được phủ một lớp men trắng, bóng và mượt sẽ đạt đến độ lung linh, huyền ảo tiêu biểu cho nghệ thuật sứ trắng cao cấp thời Lý. Đó cũng chính là nét đẹp của nhóm hiện vật sứ trắng An Biên so với các sưu tập sứ trắng khác mà tôi biết.
Càng xem càng đắm, càng ngắm càng say. Có thể nói như vậy về nhóm hiện vật sứ trắng An Biên thời Lý. Điều đó cũng cho phép so sánh để thấy được việc sản xuất sứ thời Lý đá đạt trình độ cao không kém gì đồ sứ Trung Hoa đương thời. Sứ trắng Trung Hoa nổi tiếng nhất thời Tống là lò Định (Hà Bắc) và lò Cảnh Đức Trấn (Giang Tây). Sứ trắng Định nổi tiếng nhất từng được ghi chép trong thư tịch cổ Trung Quốc với những tên gọi nổi tiếng như lò Định, đất Định, bột Định, trắng Định… bên cạnh các sắc khác như tía Định, đen Định, xanh Định, nâu Định… tạo ra những sản phẩm sứ trắng Trung Hoa có một không hai trên thế giới mà không nơi nào có thể so sánh được. Bây giờ trong một chừng mực nhất định, với sự hoàn hảo của nhóm hiện vật sứ trắng An Biên, ta đã có những ví dụ về sứ trắng thời Lý có thể so sánh với sứ trắng Định (Trung Hoa) trên cả phương diện sắc độ men, độ thiêu kết, kiểu dáng, hoa văn và kỹ thuật. Không chỉ có thế, việc nghiên cứu sâu hơn, rộng hơn sẽ cho thấy nhóm hiện vật sứ trắng An Biên không chỉ phản ánh tài năng của nghệ nhân gốm sứ Việt Nam mà còn phản ánh trình độ văn hóa và tính dân tộc cao của văn hóa Việt Nam dưới thời Lý như nhà bác học Lê Quý Đôn của Việt Nam thế kỷ 18 từng khái quát khi đối sánh văn hóa Việt Nam với văn hóa Trung Hoa là không kém Trung Quốc (vô tốn Trung Quốc).