Tạp chí Thế giới Di sản trân trọng giới thiệu 10 sự kiện di sản văn hoá Việt Nam tiêu biểu năm 2021 do Tạp chí bình chọn.
1), Sau 75 năm, Hội nghị toàn quốc về văn hoá lần thứ 3 được tổ chức tại Hà Nội.
Ngày 24-11-2021 tại Hà Nội, Ban Bí thư đã chỉ đạo tổ chức Hội nghị Văn hoá toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết của Đại hội nhằm tổng kết những thành tựu đã đạt được cũng như những hạn chế, yếu kém cần khắc phục trên lĩnh vực xây dựng, phát triển văn hoá, con người trong thời gian qua và đề ra những định hướng, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.
Đây là lần thứ 3 một hội nghị văn hoá được gọi tên Hội nghị Văn hoá toàn quốc. Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ nhất được Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức ngày 24-11-1946 tại Nhà hát lớn Hà Nội. Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ 2 được tổ chức năm 1948 tại chiến khu Việt Bắc.
2), TTCP phế duyệt chiến lược phát triển văn hoá đến năm 2030
Ngày 12-11-2021 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1909/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển văn hoá đến năm 2030. Mục tiêu của Chiến lược là xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam toàn diện, phù hợp với xu thế thời đại, yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những tác động to lớn với kinh tế, xã hội và con người của thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng… Chiến lược để ra 11 nhiệm vụ và giải pháp.
3), Nhiều chương trình về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá đã được Chính phủ phê duyệt
Ngày 15-7-2021 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1230/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hoá Việt Nam, giai đoạn 2021-2025.
Ngày 2-12-2021 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2026/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình số hoá di sản văn hoá Việt Nam giai đoạn 2021-2030.
4), Nghệ thuật Xoè Thái được UNESCO ghi danh Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại
17h11 ngày 15-12-2021 (giờ Việt Nam), trong Kỳ họp lần thứ 16 của Uỷ ban Liên chính phủ Công ước 2023 về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể tại Paris, Pháp, nghệ thuật xoè Thái của Việt Nam đã được UNESCO ghi danh Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại.
5), UNESCO tôn vinh nữ sỹ Hồ Xuân Hương và danh nhân Nguyễn Đình Chiểu
16h35 (giờ Việt Nam) ngày 23-11-2021, UNESCO đã thông qua danh sách 60 danh nhân văn hoá và sự kiện lịch sử niên khoá 2022-2023 để UNESCO cùng vinh danh và tham gia kỷ niệm năm sinh/năm mất, trong đó có tên hai thi sĩ của Việt Nam là Hồ Xuân Hương và Nguyễn Đình Chiểu.
6), Công nhận 23 Bảo vật quốc gia
Ngày 25-12-2021 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2198/QĐ-TTg công nhận 23 hiện vật, nhóm hiện vật là Bảo vật quốc gia (đợt 10, năm 2020).
7), Quốc hội cho phép thành lập Quỹ Bảo tồn di sản Huế
Ngày 13-11-2021, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế, trong đó cho phép thành lập Quỹ Bảo tồn di sản Huế để bổ sung nguồn lực phục vụ công tác trùng tu, bảo tồn di sản văn hoá trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Quỹ Bảo tồn di sản Huế là quỹ quốc gia được Chính phủ thành lập và giao cho tỉnh Thừa Thiên Huế trực tiếp quản lý, được tiếp nhận từ nguồn ngân sách nhà nước của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hỗ trợ, nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và các nguồn thu hợp pháp khác.
8), Tư nhân tham gia mạnh mẽ vào việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá dân tộc.
Năm 2021 đánh dấu sự tham gia mạnh mẽ của các tổ chức phi chính phủ, cá nhân vào hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá dân tộc, với sự ra đời của 2 bảo tàng ngoài công lập: Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam (Cao Phong, Hoà Bình) và Bảo tàng Gốm cổ Sông Hương (Thừa Thiên Huế). Bên cạnh đó, nhóm hiện vật An Biên (Hải Phòng) gốm 9 hiện vật của một sưu tập tư nhân được công nhận là 1 trong 23 hiện vật, nhóm hiện vật là bảo vật quốc gia năm 2021.
9), Dù trong hoàn cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngoài những hoạt động thường xuyên, Hội Di sản Văn hoá Việt Nam có những hoạt động nổi bật
Lần đầu tiên kết nối tư nhân và Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức triển lãm về sưu tập cổ vật tư nhân: Phối hợp với Sở VHTTDL Vĩnh Phúc tổ chức Hội thảo khoa học “Di tích Chiến khu Ngọc Thanh-Bảo tồn và phát huy giá trị”; Thành lập thêm 15 tổ chức mới, nâng tổng số tổ chức cơ sở Hội lên 139: kết nạp 550 hội viên; Hội và nhiều đơn vị trực thuộc có những hoạt động thiết thực ủng hộ người dân, hội viên vùng dịch, vùng thiên tai lũ lụt.
10), Các di tích, danh lam thắng cảnh gần như đóng cửa cả năm.
Để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, hàng loạt di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, các lễ hội ở rất nhiều địa phương trong cả nước đồng loạt đóng cửa, dừng tổ chức cho khách tham quan và không tổ chức các sự kiện có đông người tham gia.